Những lưu ý nhỏ khi sử dụng máy xét nghiệm nước tiểu

Hotline

0967 101 307

Tin tức & sự kiện

Những lưu ý nhỏ khi sử dụng máy xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu là loại xét nghiệm được dùng rất phổ biến hiện nay với nhiều ưu điểm như lấy mẫu bệnh phẩm dễ dàng không làm tổn thương đến bệnh nhân, tiến hành xét nghiệm nhanh, kết quả chính xác, có nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán. Có nhiều loại xét nghiệm được thực hiện trên mẫu nước tiểu như:

Xét nghiệm tính chất vật lý: Số lượng, màu sắc, tỷ trọng và pH.
Xét nghiệm sinh hóa nước tiểu: định tính hoặc định lượng các chất đạm, đường, mỡ, các chất mật, các chất điện giải, các men, hormon, vitamin và một số chất khác.
Xét nghiệm tế bào: tìm sự có mặt của các tế bào như bạch cầu, hồng cầu, tế bào biểu mô...
Xét nghiệm vi khuẩn: Xác định sự có mặt của vi khuẩn trong nước tiểu.
Xét nghiệm ký sinh trùng: Xác định sự có mặt của một số loại ký sinh trùng xuất hiện trong nước tiểu.
Hiện nay các máy xét nghiệm nước tiểu rất phổ biến, gần như tất cả các đơn vị có phòng xét nghiệm đều làm xét nghiệm nước tiểu bằng máy. Từ các phòng khám nhỏ đến các bệnh viện lớn, đâu đâu cũng có thể làm xét nghiệm nước tiểu. Trên thị trường có rất nhiều hãng máy, mỗi hãng máy lại có nhiều đời máy khác nhau nhưng nhìn chung các máy xét nghiệm nước tiểu hiện nay thông thường làm được 10 hoặc 11 thông số, bao gồm các thông số về vật lý, sinh hóa và tế bào. 10 thông số thông dụng hiện nay gồm: Tỷ trọng, pH, glucose, protein, hồng cầu, bạch cầu, nitrit, cetonic, bilirubin, urobilin. Ngoài ra với máy 11 thông số còn có thêm thông số Vitamin C. Máy xét nghiệm nước tiểu hoạt động dựa trên phương pháp sinh hoá khô. Dùng que thử có các ô nhỏ tẩm hoá chất, khi nhúng vào nước tiểu mỗi ô hoá chất này sẽ tác dụng với một chất cần nghiên cứu nào đó có trong nước tiểu tạo ra một màu sắc nhất định. Độ đậm nhạt của màu tạo thành sẽ tương ứng với nồng độ các chất nhiều hay ít. Khi chiếu ánh sáng thích hợp, các ô màu sẽ hấp thụ một phần ánh sáng, một phần  sẽ phản xạ trở lại. Cường độ ánh sáng phản xạ sẽ tỷ lệ với độ đậm nhạt của các ô thuốc thử hay tỷ lệ với nồng độ các chất trong nước tiểu. Ánh sáng phản xạ thu được sẽ được máy chuyển thành tín hiệu điện, tín hiệu này được khuếch đại, tính toán và hiển thị.
Việc thực hiện các xét nghiệm này trên máy nước tiểu là vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần nhúng thanh thử vào nước tiểu, đặt lên máy, chờ khoảng hơn 1 phút sẽ có kết quả. Tuy nhiên để đảm bảo kết quả xét nghiệm nước tiểu luôn được chính xác góp phần cho việc chẩn đoán của các bác sĩ lâm sàng bạn cần lưu ý một số điểm sau:

1. Bệnh phẩm phải lấy đúng.

Việc lấy mẫu nước tiểu là rất dễ, nhưng có thể vì dễ nên bạn không hướng dẫn bệnh nhân lấy cho đúng làm sai số kết quả. Với mẫu nước tiểu dùng để làm xét nghiệm trên máy này cần có một số yêu cầu như: Nước tiểu tốt nhất là lấy vào sáng sớm lúc đói. Lấy nước tiểu giữa dòng (đi tiểu trước 1 ít sau đó mới hứng nước tiểu vào ống đựng). Nên sử dụng ống nghiệm nhựa dùng 1 lần. Mẫu nước tiểu sau khi lấy xong cần làm xét nghiệm ngay, chậm nhất là 1h sau khi lấy.

2. Máy phải được định chuẩn (Calibration) thường xuyên.

Cũng giống như các hệ thống máy sinh hóa, các máy nước tiểu cũng cần phải định chuẩn (Calibration) thường xuyên . Việc định chuẩn (Calibration) máy nước tiểu khá đơn giản. Bạn sử dụng thanh chuẩn của hãng cung cấp thanh thử, đặt lên máy (không cần phải nhúng vào bất cứ dung dịch gì), chọn chế độ định chuẩn (Calibration), máy sẽ chạy và báo kết quả. Bạn so sánh kết quả với kết quả chuẩn. Nếu đạt thì tốt, nếu không đạt bạn hãy gọi cho kỹ sư của hãng vì có thể máy của bạn đã đến lúc phải bảo dưỡng.

3. Chất lượng thanh thử.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều hãng cung cấp các thanh thử nước tiểu này. Giá cả thì cũng đa dạng và vì thế chất lượng cũng rất khác nhau. Bạn nên sử dụng thanh thử của các hãng lớn có uy tín, tuy giá thành cao nhưng bù lại kết quả luôn ổn định và bạn không phải tốn test để chạy lại. Còn với các loại test rẻ tiền nhiều khi kết quả bị sai rất nhiều và bạn phải tốn test để làm lại như vậy rẻ mà lại hóa đắt. Ngoài ra bạn không được sử dụng các test khi đã hết hạn sử dụng. Một lưu ý nữa là test phải luôn được giữ khô. Sau khi mở nắp để lấy test làm xong bạn phải đóng nắp lại ngay. Nếu không test sẽ bị hút ẩm ở môi trường bên ngoài gây sai số.

4. Luôn vệ sinh máy, khay để thanh test sạch sẽ.

Mẫu nước tiểu được xét nghiệm bằng cách nhúng thanh thử vào nước tiểu sau đó đặt lên khay chứa thanh thử và đưa vào máy đọc. Vì vậy khay chứa thanh thử luôn chứa nước tiểu thấm ra từ thanh thử dẫn đến có thể làm sai số kết quả. Bạn nên thấm khô mặt lưng của thanh thử trước khi đặt lên khay thử. Đồng thời sau mỗi lần chạy mẫu bạn cũng nên lau lại khay thử bằng giấy mềm để loại bỏ hết nước tiểu của mẫu trước còn bám lại. Một điều lưu ý nữa là khay để thanh thử phài được đặt đúng vị trí, chỉ cần lệch đi một chút kết quả sẽ sai đi rất nhiều.

5. Luôn đảm bảo thời gian ủ nước tiểu với thanh thử.

Sau khi nhúng nước tiểu vào thanh thử cần có một khoảng thời gian nhất định để các chất phản ứng với nhau. Khoảng thời gian này tùy từng máy (hoặc tùy từng loại thanh thử) có thể là 60 hoặc 90 giây. Trên các máy đều có chu trình chạy chuẩn (đủ thời gian ủ) và chương trình chạy nhanh (không có thời gian ủ). Bạn phải hết sức lưu ý ở đây, chương trình chạy nhanh chỉ áp dụng khi bạn đã ủ thanh thử và nước tiểu ở ngoài trước. Nhiều bạn nhúng thanh thử vào nước tiểu, đặ lên máy và chọn ngay chế độ chạy nhanh. Như vậy là sai hoàn toàn vì không đủ thời gian phản ứng. Ngược lại một số bạn lại ủ kéo dài quá thời gian quy định do thao tác chậm... cũng sẽ làm sai kết quả. Theo khuyến cáo của mình các bạn cứ chạy đúng theo chế độ chuẩn để đảm bảo thời gian ủ.

6. Kiểm soát lại kết quả với mỗi test.

Bạn phải kiểm soát chặt chẽ kết quả của mỗi mẫu nước tiểu chạy ra. Có rất nhiều nguyên nhân là kết quả không chính xác như thời gian ủ không đảm bảo, thanh test bị đặt lệch, thanh test hỏng... vì vậy bạn phải kiểm soát kết quả máy chạy ra. Theo mình bạn nên so màu bằng mắt thường kết quả trên thanh  test với thang màu chuẩn trên hộp test để đối chiếu. Ngoài ra trong một số trường hợp nghi ngờ kết quả bạn có thể chạy lại với một thanh test khác hoặc kiểm tra lại bằng phương pháp thủ công ví dụ như để kiểm tra lại nước tiểu có protein hay không bạn hãy hút khoảng 1ml nước tiểu ra ống nghiệm khác, thêm 4 vài giọt acid tricloacetic 30%, quan sát trước nền đen, nếu có kết tủa trắng là có protein hoặc để kiểm tra xem có đường trong nước tiểu bạn lấy 2,5 ml dung dịch benedict đun sôi sau đó thêm 0,5ml nước tiểu, đun sôi trở lại, nếu có kết tủa là có glucose niệu. Tóm lại bạn cần kiểm soát kết quả với mỗi lần máy chạy ra, nếu không có sự phù hợp trong chẩn đoán lâm sàng hoặc nghi ngờ bạn cần kiểm tra lại.

Hotline